TRANG SINH HOẠT
chuyên phóng sự về các sinh hoạt Cộng Đồng của người Việt Quốc Gia ở Hải Ngoại nói chung và tại Nam Úc nói riêng


MỘT VÀI HOÀI NIỆM NHÂN NGÀY QUÂN LỰC VNCH 2013 Ở BRISBANE


Tác giả: Hưng Việt
Thể loại: sinh hoạt  cộng đồng

      Có những lúc, không tin vào những sự trùng hợp cũng không được. Không sắp đặt trước. Không thu xếp cùng nhau. Nhưng những biến cố, những câu chuyện xảy ra cùng một lúc, cùng một khoảng thời gian, dù có thể không cùng một khoảng không gian. Làm ta phải nhìn lại và đặt dấu hỏi. Tại sao ? Thật không ? Và làm sao giải thích ?
    Tôi tin chắc, nếu cố gắng nhớ lại, chúng ta ai cũng có thể tìm thấy trong ngăn kéo ký ức, một hai kỷ niệm của những sự trùng hợp đó.
     Hôm nay, tôi may mắn không phải tìm kiếm lâu vì điều đó đã xảy đến ngay sau khi tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực năm 2013 ở Brisbane. Cũng vẫn khung cảnh đó. Khu công viên Roma Street với những tàng cây rậm mát. Những bãi cỏ xanh tươi ngăn nắp. Vẫn tượng đài chiến sĩ Úc Việt. Mà tôi nghĩ là trong tuần vừa qua, vài anh em cựu quân nhân đã ra công sơn phết, sửa sang để chuẩn bị cho ngày quan trọng nhứt trong năm đối với các anh.Vẫn những khuôn mặt quen thuộc. Từ những anh cựu quân nhân. Đến các đồng hương dân sự. Và những chính trị gia thân thiết với cộng đồng người Việt ở Brisbane. Tổng cộng ắt cũng phải đến khoảng 200 người.Vẫn những bài diễn văn xiển dương sự hy sinh cao quý của người lính VNCH. Và vẫn chấm dứt với buổi ăn trưa đểmọi người gặp gỡ, hàn huyên.
      Nhưng hai điều trùng hợp đã xảy ra khiến tôi không khỏi ngẩm nghĩ từ chiều đến giờ. Tôi sẽ nói về chuyện thứ nhì trước, rồi sẽ trở lại với điều thứ nhứt.
* *
    Dự lễ xong, về đến nhà, tôi bật TiVi lên để xem tin tức buổi trưa. Bạn bè có người nói tôi là “news junkie”, một người nghiện tin tức. Tôi thì cho rằng mình mang hội chứng “ảnh hưởng của nghề nghiệp”, dù chỉ là “nghiệp dư”. Buổi tối nào rảnh, không phải đi họp chỗ này chỗ kia hay đi làm phát thanh, tôi có thể xem tin tức một cách không mệt mõi từ 5 giờ đến 7 giờ rưỡi, từ đài số 10 (lúc 5 giờ), sang đài số 9 (6 giờ), rồi chuyển qua SBS (6 giờ 30) và cuối cùng là đài ABC lúc 7 giờ.
       Đó là chưa kể những khoảng thời gian đọc báo hay xem websites. Cho nên, trưa nay, từ Roma Street Parklands về đến nhà, theo thói quen, tôi bật TiVi lên, xem đài ABC24, tin tức suốt ngày 24 tiếng. Đinh ninh chắc lại sẽ tiếp tục được nghe về cuộc khủng hoảng tranh chấp ghế lãnh đạo của đảng Lao Động giữa Julia Gillard và Kevin Rudd. Ơ nhưng lạ kìa, Julia Gillard thì có, nhưng ngồi kế bên bà lại là lảnh tụ đối lập Tony Abbott. Họ đang ở đâu ? Và đang làm gì vậy ?
      Phải đôi phút theo dõi, tôi mới biết đó là phần tường trình buổi lễ khánh thành Đài Tưởng Niệm các chiến sĩ Úc đã hy sinh trong cuộc chiến A phú Hản. Con số hiện nay là 39 và với sự rút quân trong nay mai của quân đội Úc  ra khỏi quốc gia này, con số chắc sẽ đứng ở đó. Hy vọng vậy !
      Sự trùng hợp mà tôi muốn đề cập tới là cùng ngày hôm nay, chúng ta – và thân hữu - tưởng nhớ đến những người đã khoác áo chiến binh, hiến dâng tuổi trẻ, tương lai, thân thể, tính mạng cho sự sống còn của miền Nam thân yêu trong khi cùng lúc đó, dân chúng Úc tưởng nhớ đến những hy sinh của các diggers ở một nơi chốn với địa danh có lẽ họ đã chưa từng bao giờ nghe nói đến.
     Phải chăng chỉ vì hai chữ Tự Do ? Đó có thể là Tự Do cho chính bản thân, chính gia đình, hay dân tộc mình. Nhưng cũng có thể đó là Tự Do mà người lính chiến muốn đem đến, hoặc chiến đấu để bảo vệ cho bất cứ một ai. Ở bất cứ nơi nào. Vì Tự Do là ý niệm cao quý nhứt của nhân loại. Không có Tự Do, ta không có một cuộc sống đích thực đúng nghĩa. Mất Tự Do, ta trở thành công cụ cho bạo lực, cho cường quyền.
     Vì thế, những tràng hoa được đặt trước đài chiến sĩ Úc Việt sáng nay ở Roma Street Parkland và những tràng hoa đặt ở tượng đài chiến sĩ Úc hy sinh ở Afghanistan tại Yangaburra ở gần Cairns, đều có cùng chung một ý nghĩa.
     Và cũng vì thế, bài Hồn Tử sĩ ở buổi lễ Ngày Quân Lực và bài Last Post ở Yungaburra đều não nuột như nhau, đều như một tiếng thì thầm nhắc nhở đến những bóng hình thân yêu xưa cũ, như những giọt nước mắt nhỏ xuống cho những người ra đi không trở lại.
**
     Bây giờ, trở lại với điều trùng hợp thứ nhứt.  Nó xảy ra trước đó hai tiếng đồng hồ. Qua hai trong số các bài diễn văn trong buổi lễ Ngày Quân Lực. Thông thường, khi các chính trị gia được mời phát biểu ở các sinh hoạt của những cộng đồng, những tổ chức, những đoàn thể, người ta chờ đợi những lời chúc mừng, những câu bình phẩm tốt đẹp về những đóng góp của cộng đồng đó.
     Tôi vẫn xem đó như những trao đổi thân tình, những lời khích lệ nồng ấm. Và cám ơn họ về những điều vừa kể. Thế nhưng, khi người chính trị gia chia sẻ những cảm nghĩ, những kết luận mà thân nhân của họ, những người trong gia đình họ dành cho chúng ta, tôi cảm thấy cái lằn ranh, cái biên giới giữa chính trị gia và cử tri không còn nữa. Thay vào đó là một tình bạn, có thể mới chỉ là sơ giao, mà cũng có thể đã trở thành khắn khít từ lâu.
      Và hôm nay, sự trùng hợp là chuyện này đã không xảy ra một lần, mà là đến hai lần. Sau bài nói chuyện của ông Huỳnh bá Phụng, Chủ tịch Tổng Hội CQN/QLVNCH Úc châu, đồng thời cũng là Chủ tịch của Hội CQN/QLVNCH/Qld, với chủ đề “Chân Dung của người lính Quân Lực VNCH”, Thượng nghị sĩ Ron Boswell là quan khách đầu tiên lên phát biểu.
      Là một người bạn lâu năm của cộng đồng người Việt ở Brisbane, TNS Boswell đã nhắc lại gương chiến đấu anh dũng của quân đội VNCH và chia sẻ :
“ .. Cách đây đã nhiều năm, khi tôi xem trên truyền hình những bản tin về cuộc chiến, hiền thê của tôi Leita đã nói “Ít nhứt những người miền Nam đang chiến đấu cho cuộc sống của họ”.
       Người nói chuyện thứ hai, bà Tarnya Smith, dân biểu tiểu bang đơn vị Mt. Ommaney, cũng đã đề cập đến việc hai quân đội Úc - Việt đã “vai chen vai chiến đấu, hỗ trợ và đôi khi cùng hy sinh bên nhau”. Rồi bà cho biết tiếp:
“ .. Thân phụ tôi vẫn thường hỏi thăm tôi về ông Huỳnh bá Phụng và các đoàn viên của ông ở Brisbane vì ông đã có gặp họ cách đây vài năm. Theo lời ông nói “Đây là những người có một sự thông hiều thấu đáo về điều quan trọng của đời sống”…”
      Phải chăng đó là một sự tình cờ thú vị ?  Tôi không nghĩ bà Boswell đã có dịp tiếp xúc với ông Huỳnh bá Phụng hay các anh em cựu nhân nhân VNCH ở Queensland. Ông Smith Senior có thể đã gặp gở ông HB Phụng và một vài anh em một lần duy nhứt và chưa chắc sẽ có dịp tái ngộ.
      Cho nên, đó không phải là những lời khách sáo, mua chuộc lòng người. Họ cũng không phải là chính trị gia đế nói là cần lá phiếu. Họ chỉ trãi bày những cảm nghĩ của họ về một quân lực anh hùng mà các anh là những người đại diện còn có mặt.
* *
      Một giờ trưa, tôi ra về. Tâm hồn hân hoan. Với những lời lẽ nồng ấm mà người quân nhân QLVNCH ở Queensland đã được trao gởi. Từ những người hiện diện. Như của nghị viên Milton Dick, lảnh tụ đối lập Hội Đồng Thành phố Brisbane:
 “.. Hôm nay, chúng ta nghiêng mình trước những người đã chiến đấu cho dân chủ và đang tiếp tục chiến đấu cho tự do ở Việt Nam”.
     Như của ông Ron Strong, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Úc tham chiến tại Việt Nam:
 “ … Quân lực VNCH là một quân đội anh hùng. Chúng tôi hãnh diện chiến đấu bên cạnh những chiến hữu đó…”
     Cũng như từ những người BẠN, chữ BẠN tôi cố ý viết hoa, chưa gặp hay chỉ mới một lần tiếp xúc !
HƯNG VIỆT (Brisbane)